Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:

Hành trang lên đường

Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi:

- Khi nào con đi?

- Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.

Sự thầy trầm ngâm một lát rồi nói:

- Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.

Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền. Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng. Hòa thượng hỏi:

- Tại sao tín chủ lại tặng ô?

- Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?

Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại. Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng:

- Giày cỏ và ô đã đủ chưa?

- Đủ rồi ạ! – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. - Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.

Sư thầy nói:

- Vậy sao được. Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?

Ngừng một lát, ông lại tiếp tục:

- Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo..

Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói:

- Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của câu chuyện.

Câu 2: Em thích nhất chi tiết nào trong câu chuyện? Vì sao?

Câu 3: Em hiểu thế nào về những hành động của sư thầy?

Câu 4: Câu chuyện giúp em nhận ra điều gì?

Đọc hiểu Hành trang lên đường Zf9XyP6

Gợi Ý Câu Trả Lời​

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2:

Em thích nhất đoạn sư thầy nói:

"Vậy sao được. Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?"

Câu nói của sư phụ chứa đựng ý nghĩa, bài học lớn, đó là ta sẽ không mang theo bất cứ thứ gì, vì nếu ôm đồm quá nhiều, vướng bận quá nhiều sẽ làm tâm ta bị xao động, chỉ biết lệ thuộc mà không biết cố gắng, phấn đấu, chuyên tâm được. Giày cỏ, ô giống như vật ngoài thân. Ta không nên vì những thứ bên ngoài mà làm hao tâm tổn trí.

Câu 3:

Hành động của sư thầy muốn mọi người chuẩn bị giày, ô để rút ra bài học cho bản thân. Khi ta suy nghĩ, lo toan, chuẩn bị mọi thứ có phải chúng ta bị lung lay, cảm thấy mệt mỏi không? Lo càng nhiều ta sẽ càng thêm mệt. Thế nên sư thầy gián tiếp để mọi người tự rút ra điều ý nghĩa ẩn đằng sau sự lo toan, vất vả đó, chính là hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên: "Thiên thời địa lợi nhân hòa."

Câu 4:

Em nhận ra, trên con đường nỗ lực, đi đến thành công sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, gian nan, trắc trở nhưng chỉ cần bản thân giữ được sự bình tĩnh, ung dung, tự do, tự tại thì sẽ vượt qua tất cả. Hãy bỏ xuống những gánh nặng thì ta mới có thể đi xa được. Những phiền não nếu ta biết để qua một bên, chẳng màng tới, và tiến thẳng về phía trước ta sẽ thấy mọi thứ tươi đẹp, tuyệt vời trên hành trình vươn tới thành công.