Hướng dẫn làm bài phân tích nhân vật Lục Vân Tiên trong “Lục Vân Tiên” cứu Kiều Nguyệt Nga trong chương trình trung học cơ sở ngữ văn lớp 9 hay

Lục Vân Tiên là một tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu được sáng tác với mục đích truyền miệng cho học trò, nhưng vì giá trị lớn của nó mà đã trở thành một tác phẩm có sức sống trong lòng người đọc mọi thời đại và đặc biệt là được mệnh danh là “Truyện Kiều” của Nam Bộ với những nhân vật điển hình chuẩn mực như là Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga rất được người đọc yêu mến. Câu chuyện tình của hai nhân vậy này cùng để lại nhiều vấn vương xúc động cho người đọc về sự thủy chung quả cảm. Lần gặp đầu tiên của hai nhân vật đó là ở đoạn trích Lục Vân Tiên trong “Lục Vân Tiên” cứu Kiều Nguyệt Nga. Lục Vân Tiên xuất hiện trong đan này đúng là ra dáng một anh hùng đội trời đạp đất, là người anh hùng trong niềm mơ ước của nhân dân ta. Dưới đây là dàn ý và bài làm phân tích về nhân vật Lục Vân Tiên trong “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”. Để làm bài tập này, ta sẽ giới thiệu về tác giả Nguyễn Đình Chiểu, về nhân vật Lục Vân Tiên, sự dũng mãnh của Lục Vân Tiên trong trận đánh cướp và những ứng xử đánh nể trọng ở vị anh hùng với Kiều Nguyệt Nga.

DÀN Ý PHÂN TÍCH NHÂN VẬT LỤC VÂN TIÊN TRONG”LỤC VÂN TIÊN CỨU KIỀU NGUYỆT NGA”

1. MỞ BÀI

Giới thiệu tác giả Nguyễn Đình Chiểu

Giới thiệu đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”

2. THÂN BÀI

- Hoàn cảnh gặp nạn của Kiều Nguyệt Nga

- Sự xuất hiện của Lục Vân Tiên và sự chuẩn bị của chàng trước trận chiến: thô sơ, nhanh gọn, bất ngờ,…

- Cảnh Vân Tiên đánh cướp: sự oai hùng của Vân Tiên khi đánh cướp(so sánh với Triệu Tử Long)

- Cuộc nói chuyện của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga cho thấy điều gì ở Vân Tiên:

- Lễ nghĩa, hiểu câu nam nữ thọ thọ bất tương thân

- Tấm lòng trượng nghĩa làm ơn không mong trả ơn

- Khẳng định về vẻ đẹp của vị anh hùng trong lòng nhân dân

3. KẾT BÀI

Khẳng định sức sống của vị anh hùng trong lòng người đọc.

BÀI VĂN PHÂN TÍCH NHÂN VẬT LỤC VÂN TIÊN TRONG”LỤC VÂN TIÊN CỨU KIỀU NGUYỆT NGA”

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước sống ở thế kỉ thứ XIX, cuộc đời ông gặp nhiều đau thương bất hạnh trong hoàn cảnh xã hội đương thời nhiều biến đổi lớn lao. Trong những thử thách ấy, sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Đình Chiểu lại là những dấu ấn tinh thần lớn lao của thời đại và xã hội ấy trong đó tác phẩm “Lục Vân Tiên” là một truyện thơ Nôm điển hình. Hình ảnh người ảnh hùng Lục Vân Tiên là nhân vật trung tâm của truyện và được thể hiện khí phách nhất có lẽ là ở đoạn trích: “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

Từ biệt tôn sư về đi thi, giữa đường lại gặp phải chuyện bất bình, Lục Vân Tiên không ngại ra tay tương trợ:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,

Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.

Kêu rằng: "Bớ lũ hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân".​

Sự việc diễn ra thật bất ngờ, nhanh chóng bởi Vân Tiên chỉ là người qua đường thấy bất bình thì chẳng tha. Chàng dường như không kịp suy nghĩ, không lo đến an nguy của bản thân mà cứ thế xông vào dẹp tan lũ cướp cứu người. Chàng không hề biết trong kiệu là nàng Kiều Nguyệt Nga xinh đẹp con quan, chàng chỉ coi đó là người dân bình thường, không toan tính thiệt hơn, làm việc tốt xuất phát từ đáy lòng. Trước quân thù đông đảo cùng với một tên tướng hung dữ “mặt đỏ phừng phừng” chàng vẫn không hề nao núng:

Vân Tiên tả đột hữu xung,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương.

Lâu la bốn phía vỡ tan,

Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.​

Ta thấy hiện lên hình ảnh một người anh hung đội trời đạp đất có sức mạnh và tài năng hơn người được so sánh như Triệu Tử Long- một vị anh hùng tiêu sái dũng mãnh đang oai hùng phá vòng Đương Dương. Đúng là khí phách của một chàng trai Nam Bộ cương trực, có phần liều lĩnh, thấy lũ cướp hoành hành hại dân là không giấu nổi sự tức giận của một đấng nam nhi mà ra tay dẹp lũ lâu la. Thật là can trường biết bao. Nguyễn Đình Chiểu quả đã xây dựng ở Lục Vân Tiên một khi chất của vị anh hùng tài đức mà nhân dân ta vẫn hằng mong ước.

Sau khi dẹp xong “lũ kiến chòm ong”, Vân Tiên mới hỏi thăm đến người trong xe. Nghe được tiếng kêu than cảm tạ của cô hầu gái, Vân Tiên có lẽ đã đoán ra người ngồi trên xe là một tiểu thư nên chàng can ngăn:

“Khoan khoan ngồi đó chớ ra,

Nàng là phận gái ta là phận trai.”​

Chỉ một câu nói này thôi, chàng thư sinh họ Lục đã để lại ấn tượng về một người đọc sách thánh hiền, hiểu rõ đạo lí nam nữ thụ thụ bất tương thân. Đó cũng tỏ ra là tôn trọng vị tiểu thư khuê các trong xe. Rồi chàng hỏi han sự tình về người con gái chưa thấy mặt kia. Cảm tạ trước ơn cứu mạng cùng sự ngay thẳng của Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga có ý đền ơn cho trọn. Nhưng ngay từ đầu, ra tay dẹp cướp là xuất phát từ lòng hiệp nghĩa, chứ đâu có ý nghĩa mong sẽ được lợi lộc gì, vì vậy Lục Vân Tiên cũng không có ý nhận báo đáp nên đã từ chối thẳng thừng:

Vân Tiên nghe nói liền cười:

"Làm ơn há dễ trông người trả ơn?

Nay đà rõ đặng nguồn cơn,

Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.

Nhớ câu kiến ngãi bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.”​

Người anh hùng này làm ơn nhưng không mong nhận ơn, chàng coi việc mình làm là chính đáng không so đo thiệt hơn, coi danh vọng tiền bạc chỉ là phù phiếm vô nghĩa. Chàng là sĩ tử nơi thi trường nhưng lại có khi phách hành hiệp trượng nghĩa của những kiếm khách hào hiệp trong thiên hạ. Cái cười sảng khoái của chàng chính là đã thể hiện chí khí của một nam tử hán đại trượng phu đáng khâm phục.

Bằng những từ ngữ hết sức giản dị, cách kể chuyện mộc mạc, dễ hiểu, văn phong trong sáng mang đậm những hiểu biết về đạo nghĩa, hình ảnh người anh hùng Lục Vân Tiên xuất hiện ý như một anh hùng của nhân dân, cho nhân dân và vì nhân dân.

Hình ảnh Vân Tiên đánh cướp được khắc họa thần tình. Cử chỉ, hành động, ngôn ngữ và cách ứng xử của chàng rất đẹp, mang phong thái người anh hùng, người tráng sĩ ngày xưa. Chúng ta không thể nào quên một Vân Tiên quả cảm, nhân hậu, chí khí của Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu


____________________
cung cấp vòng bi timken, vòng bi ntn, vòng bi fag chính hãng