Từ khi xuất hiện e-mail, chúng ta quen dần với kí hiệu "@" và đã coi đó như một kí hiệu quá đơn giản, thậm chí dường như không bao giờ nghĩ tới nguồn gốc xuất xứ của nó. 

Nguồn gốc của @ có lẽ bắt nguồn từ thời Trung cổ, vào thời kì mà các văn bản, khế ước được ghi chép bằng chữ Latin. 

Trong ngôn ngữ Latinh thời đó có tồn tại giới từ "ad" (nghĩa tương đương với "at" trong tiếng Anh ngày nay). Khi các tu sĩ thời đó viết giới từ "ad" này trên văn bản, chữ "d" sẽ có kèm theo một cái "đuôi móc" nhỏ, tựa như số 6 nhìn trong gương. Và vì thế, khi viết cả chữ "ad" sẽ rất giống với... @ ngày nay. 

Không chỉ vậy, vào thế kỉ thứ 15, @ còn được bắt gặp trong các văn tự của các nhà buôn thời ấy. Đó là kí hiệu viết tắt một đơn vị cân đo - "arroba" (tương đương với 11,52kg). Cũng nói thêm rằng, đơn vị đo lường này khi ấy hay dùng để cân bò hoặc lợn. 

Đến thời kì Phục Hưng, @ được sử dụng như một kí hiệu biểu trưng cho giá cả. Còn tới thời Cách mạng công nghiệp (thời kì nảy sinh tư bản, xuất hiện máy móc...), @ thường xuyên xuất hiện trong các văn bản kế toán, tổng kết thu chi, có vị trí quan trọng không kém các kí hiệu như $, #, %. 

Và @ có lẽ cũng cứ "âm thầm" mãi thế nếu như không có lần vô tình được lọt "mắt xanh" của Ray Tomlinson, nhà nghiên cứu trực thuộc công ty BBN Technology của Mỹ. 

Tomlinson trong lịch sử Internet không những được coi là cha đẻ của hòm thư điện tử mà còn được công nhận như "chủ sở hữu" của kí hiệu @. Công ty BBN Technology thời kì đó tham gia vào dự án ARPANet, tiền thân của mạng Internet ngày nay, do bộ quốc phòng Mỹ đặt hàng. 

Trong dự án, nhiệm vụ chính của Tomlinson là thiết kế những hòm thư liên lạc giữa các máy tính với nhau. Và trong một ngày đẹp trời, trong lúc làm việc với bàn phím model 33 Teletype, Tomlinson bỗng nảy ra ý tưởng tìm kiếm một kí hiệu đặc biệt. Một kí hiệu mà không thể bắt gặp trong bất cứ cái tên nào, và đồng thời kí hiệu này có thể phân cách tên người sử dụng với tên gọi của computer. Đó buộc phải là một kí hiệu mang tính tổng hợp: tên gọi - kí hiệu - địa điểm. 

Vào thời kì đó, sau năm 1971, trên bàn phím, @ đã có mặt và nằm ở hàng thứ 2 từ trái sang. Và Tomlinson đã đi đến quyết định sáng suốt nhất đời mình, một quyết định đã đi vào lịch sử: kí tự @ được lựa chọn. Theo ông, đây là kí tự đáp ứng được mọi điều kiện như ông đã đưa ra. 

Cũng rất thú vị khi tại các nước khác nhau, @ được gọi với những "cái tên" mang những ý nghĩa không giống nhau. 

Ví dụ như: tại Hàn Quốc, @ có nghĩa là "con ốc sên"; ở Phần Lan - "con mèo ngủ"; tại Nga - "chú chó con"; tại Bỉ - "cái trục vít" hay tại Thụy Sĩ - "cái bánh quế"...